Ông Trump công bố lộ trình áp thuế quan đối với các quốc gia đối tác thương mại của Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố lộ trình áp thuế đối ứng đối với các quốc gia đánh thuế hàng nhập khẩu từ Mỹ. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho nhóm kinh tế thương mại nghiên cứu mức thuế quan song phương và mối quan hệ thương mại giữa Mỹ với các quốc gia, dự kiến hoàn tất vào ngày 01/04/2025. Động thái này làm gia tăng nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu với cả đồng minh và đối thủ của Mỹ.
Chiến lược thuế quan của ông Trump hướng đến sự công bằng thương mại
Tại Phòng Bầu Dục, ông Trump tuyên bố việc áp dụng mức thuế đối ứng với các quốc gia đánh thuế nhập khẩu Mỹ là vì muốn tạo sân chơi công bằng.
Ngoài ra, chính quyền Trump cho biết cũng sẽ tìm cách đối phó với các rào cản phi thuế quan như quy định an toàn sản phẩm, thuế giá trị gia tăng (VAT), trợ cấp Chính phủ và chính sách tỷ giá hối đoái có thể làm tăng chi phí hàng hóa Mỹ khi xuất khẩu.
Các nỗ lực thay đổi này nhằm khởi động lại các cuộc đàm phán với các quốc gia đối tác với mong muốn giảm bớt các rào cản phi thuế quan, giảm thuế quan với nước này. Dễ hiểu rằng chính quyền Trump sẽ sẵn sàng giảm thuế nếu các quốc gia khác cũng giảm thuế đối với Mỹ. Đây là cách mà ông Trump đã dùng để buộc các quốc gia khác đàm phán lại các điều khoản thương mại với Mỹ.
Các quốc gia bị ảnh hưởng và phản ứng của thị trường
Các quốc gia có nguy cơ bị áp thuế đối ứng bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết họ sẽ ưu tiên xem xét các vấn đề quan trọng trước, bao gồm các quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất và mức thuế quan cao nhất. Sau đó sẽ tính toán và áp dụng các mức thuế đối ứng hoặc cao hơn với mức thuế mà các quốc gia đang áp đặt lên hàng hóa Mỹ.
Với chính sách áp thuế quan mới, sẽ tránh được việc một mức thuế áp dụng cho tất cả quốc gia, thay vào đó là điều chỉnh phù hợp với từng quốc gia hơn, mặc dù không loại trừ khả năng áp dụng mức thuế toàn cầu cố định. Thời gian qua, việc Mỹ áp dụng thiếu thuế quan đối ứng đã gây ra thâm hụt thương mại lớn và dai dẳng cho quốc gia này.
Nỗi lo chiến tranh thương mại toàn cầu
Động thái của ông Trump đã khiến thị trường tài chính biến động mạnh. Phố Wall, vốn lo ngại rằng thuế quan có thể làm gia tăng lạm phát và trì hoãn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất. Chỉ số chứng khoán toàn cầu chạm mức cao kỷ lục, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm nhẹ.
Mặc dù kế hoạch giảm thâm hụt thương mại của Mỹ chưa có hiệu lực áp dụng ngay lập tức, nhưng những ngày qua thị trường đã và đang chịu tác động rõ rệt. Các nhà phân tích cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể khiến lạm phát gia tăng, ảnh hưởng đến kế hoạch cắt giảm lãi suất của FED và làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Chính quyền Trump đã từng sử dụng thuế quan như công cụ đàm phán thương mại, đặc biệt trong nhiệm kỳ đầu tiên. Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu chiến lược áp thuế đối ứng được triển khai toàn diện, đây có thể là một trong những chính sách thương mại cứng rắn nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ.
Bên cạnh đó, việc Mỹ triển khai chính sách thuế quan đối ứng sẽ khiến các quốc gia bị ảnh hưởng có thể đưa ra biện pháp trả đũa, dẫn đến nguy cơ chiến tranh thương mại trên diện rộng.
Ông Trump đã áp thuế 25% lên toàn bộ nhôm và thép nhập khẩu, áp thuế 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc và tạm hoãn áp thuế đối với Mexico và Canada trong 30 ngày. Ông cũng tuyên bố sẽ xem xét áp thuế lên ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm trong thời gian tới.
Thách thức trong việc thực hiện chính sách thuế đối ứng
Dù chính quyền Mỹ quyết tâm triển khai kế hoạch này, các chuyên gia nhận định rằng việc xây dựng một hệ thống thuế đối ứng toàn diện sẽ là thách thức lớn.
Ông Damon Pike, chuyên gia thương mại tại BDO International, cho biết: “Trên thế giới có khoảng 5,000 mã sản phẩm, mỗi sản phẩm lại có thể bị áp thuế khác nhau tại từng quốc gia. Việc tính toán chính xác để đưa ra mức thuế đối ứng công bằng gần như là bài toán cần đến trí tuệ nhân tạo.”
Ngoài ra, chính quyền Mỹ có thể phải dựa vào các đạo luật thương mại hiện có để thực thi chính sách này, bao gồm:
- Mục 122 của Đạo luật Thương mại năm 1974 cho phép áp thuế cố định tối đa 15% trong vòng 6 tháng.
- Mục 338 của Đạo luật Thuế quan năm 1930 cung cấp quyền hạn đối phó với các chính sách thương mại phân biệt đối xử, nhưng chưa từng được sử dụng trước đây.
- Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) được sử dụng để biện minh cho các mức thuế quan đã áp đặt lên Trung Quốc và có thể tiếp tục được áp dụng với Canada và Mexico.
Một quan chức Nhà Trắng xác nhận rằng tất cả các biện pháp trên đều đang được xem xét để đảm bảo tính hợp pháp của chính sách thuế đối ứng.
“Thiếu IEEPA, chính quyền Mỹ sẽ cần một cơ quan thực thi trước khi có thể áp đặt bất kỳ mức thuế nào, nhưng có vẻ như mọi thứ đang được đẩy nhanh tiến độ,” ông Pike nhận định, đồng thời nhấn mạnh rằng thông thường, các quyết định thuế quan sẽ do Quốc hội Mỹ thông qua.
Có nhiều câu hỏi được đặt ra về tương lai của thương mại toàn cầu sau chính sách thuế đối ứng của ông Trump. Trong khi mục tiêu của chính quyền Mỹ là bảo vệ lợi ích kinh tế trong nước, nhưng thực tế có thể kéo theo hệ lụy không mong muốn như gia tăng lạm phát, làm giảm tốc độ tăng trưởng và đẩy thế giới vào cuộc chiến thương mại toàn diện. Mặc dù chưa được áp dụng ngay, nhưng mỗi động thái của ông Trump đã khiến các quốc gia đối tác thương mại với Mỹ lo ngại, các thị trường vàng, chứng khoán, bất động sản, bitcoin, v.v. thêm chao đảo.
Vì vậy, trong thời gian tới, các doanh nhân, nhà đầu tư toàn cầu cần theo dõi chặt chẽ những bước đi tiếp theo của Nhà Trắng và tình hình thị trường để có thể chuẩn bị các biện pháp ứng phó phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Để liên tục cập nhật tin tức về những thay đổi này, mời quý vị vui lòng truy cập Chuyên mục Tin tức của SI Group:
🏢: Tầng 44 Bitexco Financial Tower, 02 Hải Triều, Bến Nghé, Quận 1, HCM.
🏛️: Tầng 19, Capital Place, 29 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.
☎️: (+84)979 355 355
Khám phá thêm về SI Group
Facebook | Zalo | Linkedin | Youtube
>>> XEM THÊM:
- Phân tích thị trường vàng, chứng khoán, bitcoin và bất động sản trước mối đe dọa thuế mới của ông Trump
- Ông Trump công bố mức thuế mới đối với nhiều quốc gia: Bắt đầu từ thép và nhôm
- FED dự kiến giảm lãi suất sau chính sách thuế quan mới của ông Trump
- Sau lệnh áp 25% thuế đối với nhôm và thép không có ngoại lệ, giá đồng ở Mỹ tăng kỷ lục
Để được tư vấn chính xác, nhanh chóng và bảo mật, Quý khách liên hệ trực tiếp Hotline (+84) 979 355 355 hoặc để lại thông tin. Đội ngũ với hơn 20 năm kinh nghiệm của SI Group luôn sẵn sàng để kết nối và tư vấn miễn phí.