Người Việt đã thống trị ngành làm nails như thế nào tại Úc?
Tại một tiệm làm đẹp sang trọng ở vùng ngoại ô phía Đông thành phố Melbourne, bang Victoria, nước Úc những người phụ nữ nằm ngả lưng trên chiếc ghế massage để móng chân của họ được giũa, đánh bóng và sơn cẩn thận bằng màu sắc theo ý muốn.
“Vào mùa hè, tôi sẽ mặc đồ màu đỏ, cả chân và tay cũng được sơn màu đỏ”, bà Frances Burnett, 73 tuổi, mỉm cười nói. Bà là một trong số nhiều khách hàng thường xuyên đến tiệm làm đẹp Allure Beauty Room ở Blackburn, nơi khách hàng có thể thực hiện mọi dịch vụ từ làm móng tay – chân hoặc làm móng acrylic, cho đến đánh bóng đơn giản. Tiệm cũng cung cấp nhiều dịch vụ làm đẹp như phun rám nắng, chăm sóc da mặt và triệt lông. Bà Burnett không nhớ mình đã từng làm móng ở tiệm nào trước khi làn sóng người Việt di cư đến Úc vào những năm 80, chứ đừng nói đến việc cứ 3 tuần/lần, như đã làm trong 5 năm qua tại Allure. “Đó là thói quen xa xỉ mà tôi có thể chi trả được và tôi yêu những cô gái xinh đẹp làm việc ở đây“.
Chủ sở hữu, Tammy Nguyen, người Việt tại Úc thừa nhận tác động về mặt văn hóa và kinh doanh của cộng đồng người Việt đối với ngành làm nails trị giá hàng tỷ AUD. Chị Tammy Nguyen cho biết: “Nếu bạn đã từng đến tiệm làm nails thì rất có thể đó là tiệm do người Việt làm chủ. Chúng tôi đã biến nó thành cách có thể tiếp cận được về mặt tài chính đối với phụ nữ bình thường. Trước đó, chúng cực kỳ tốn kém. Các tiệm làm móng do người Việt làm chủ là một nét văn hóa đại chúng trên toàn thế giới và nó đã ăn sâu vào xã hội chúng tôi, điều này khá thú vị.”
Theo nghiên cứu của IBISWorld về quy mô thị trường được đo bằng doanh thu của ngành dịch vụ tẩy lông và làm nails tại Úc là 1.6 tỷ AUD vào năm 2023.
Dung Lê đã bước vào ngành làm đẹp như thế nào?
Một cuộc gọi từ người bạn ở California đã truyền cảm hứng cho Dung Le, người sáng lập chuỗi cửa hàng làm móng nổi tiếng Hollywood Nails và Odyssey Nails, mở tiệm làm móng đầu tiên của mình vào năm 1998 tại Trung tâm mua sắm Highpoint ở phía Tây của thành phố Melbourne.
Ông cho biết cộng đồng người Việt di cư tại Úc bắt đầu cảm thấy áp lực về việc làm trong bối cảnh ngành dệt may từng suy thoái khi đất nước bắt đầu chuyển dịch từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ. Nhiều người, giống như ông Le, đang tìm cách chuyển sang các ngành dịch vụ mới.
“Tôi đến Úc với tư cách là một người đi thuyền cùng vợ và con gái nhỏ”, ông Le, hiện đã nghỉ hưu, cho biết. “Chúng tôi đã làm nhiều công việc, nhưng từ năm 1996, ngành dệt may suy thoái vì Chính phủ xuất khẩu công việc này sang các nước khác, vì vậy tôi phải tự tạo ra một công việc mới.”
Người bạn của ông Le kể rằng ở Mỹ, người Việt nhập cư đang dần khẳng định được vị thế của mình trong ngành nails và các doanh nhân trong cộng đồng đang kiếm được nhiều tiền hơn. “Ngành nails thực sự phổ biến ở Mỹ. Chúng tôi chỉ sao chép ý tưởng từ họ thôi”, ông Le nói.
Sự thành công của các tiệm nails do người Việt ở Mỹ làm chủ thường được ghi nhận là công của nữ diễn viên Hollywood Tippi Hedren, nổi tiếng nhất với vai chính trong bộ phim The Birds của Alfred Hitchcock. Khi nữ diễn viên và nhà hoạt động nhân quyền này đến thăm một trại tị nạn ở California vào năm 1975, một nhóm phụ nữ Việt Nam đã bị mê hoặc bởi bộ nails được cắt tỉa hoàn hảo của bà.
Hedren quyết định cử thợ làm nails riêng của mình, Dusty Coots, đến để dạy những người phụ nữ này một kỹ năng mới mà bà tin rằng có thể giúp họ thích nghi với cuộc sống ở một đất nước mới. “Chúng tôi đã cố gắng tìm nghề cho họ. Tôi đã đưa thợ may và thợ đánh máy đến — bất kỳ cách nào để họ có thể học được điều gì đó. Và họ rất thích móng tay của tôi”, Hedren chia sẻ năm 2015.
Ông Le, có biệt danh là “Ngài Hollywood”, đã đi theo bước chân của những người như Hedren. Ông là một trong những người đầu tiên trong cộng đồng người Việt và cộng đồng người Úc mở tiệm nails và đào tạo nhân viên làm nails tại Úc.
Ông Le sở hữu một tổ chức đào tạo đã đăng ký để nâng cao kỹ năng cho phụ nữ nhập cư làm việc tại các tiệm nails, dạy họ những kiến thức cơ bản về nghề và cách sử dụng công nghệ làm nails mới từ Mỹ.
Đến giữa những năm 2010, ông Le đã có 80 tiệm nails, chủ yếu ở các trung tâm mua sắm trên khắp thành phố Melbourne và tỉnh bang Victoria. “Khi chúng tôi mới mở, nơi này rất đông đúc – người xếp hàng dài và rất nhiều người”, ông Le nói.
Tiệm nails là thu nhập chính của nhiều người Việt khi đến Úc định cư
Theo học giả về di trú Lan Anh Hoang từ Đại học Melbourne, khi những người tị nạn Việt Nam đầu tiên đến Úc với số lượng lớn vào những năm 1980, nhiều người đã làm những công việc thu nhập thấp trong các nhà máy và kho quần áo. Tiến sĩ Hoang, người đã nghiên cứu về vấn đề nhập cư của người Việt trong hơn 20 năm, cho biết “Ngay sau khi Úc bãi bỏ chính sách di cư của người da trắng, đã có rất nhiều lo ngại nhưng cũng có rất nhiều sự thông cảm…Tôi nghĩ rằng công dân Úc vào thời điểm đó cũng rất thương cảm cho những người tị nạn”. Tiến sĩ Hoàng cho biết lợi ích của ngành làm nails là mang đến cho những người Việt nhập cư, đặc biệt là phụ nữ, những người gặp khó khăn trong việc nói tiếng Anh và thiếu trình độ để tiếp cận những công việc lương cao hơn, cơ hội làm việc trong cộng đồng của họ và có được cuộc sống đầy đủ. “Các tiệm làm nails đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính cho người Việt nhập cư ở Mỹ, Vương Quốc Anh và sau đó là Úc. Và nếu quý vị đến Đông Âu hoặc các nơi khác trên thế giới hiện nay, quý vị sẽ thấy điều tương tự, ngay cả ở Singapore. Người Việt ở Úc là một trong những nhóm ít thành thạo tiếng Anh nhất nên tiệm nails rất phù hợp với họ. Quý vị không cần phải giao tiếp nhiều và chỉ cần tiếng Anh cơ bản là đủ. Và vì phần lớn thu nhập là tiền mặt nên nó có thể sinh lợi nhiều hơn.”
Tiến sĩ Hoàng cho biết sự chăm chỉ của những người Việt tị nạn đầu tiên định cư Úc có thể được nhìn thấy qua thành công của thế hệ tiếp theo ngày nay. Nhiều người đã trở thành những chuyên gia thuộc tầng lớp trung lưu.
Sự nâng cấp từ tiệm làm tóc bình dân
Đối với những chủ tiệm như Tammy Nguyen, cơ sở của chị khác xa so với các tiệm làm nails thông thường nổi tiếng với nhịp độ nhanh và lượng khách hàng quay vòng cao. Chị Nguyen cho biết tiệm của chị là phiên bản hiện đại, kết hợp tính hiệu quả và giá cả phải chăng của một tiệm làm nails thông thường nhưng có thiết kế hiện đại, đẹp mắt và mang lại cảm giác như spa.
Chị nói: “Tôi muốn nó cung cấp sản phẩm dịch vụ có giá cả phải chăng đối với phụ nữ, nhưng muốn trở thành trải nghiệm tốt.”
Chị cũng rất tâm huyết với việc mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho nhân viên, cũng như mức lương và điều kiện làm việc tốt, mà chị cho biết là vấn đề chung của ngành.
“Ngành nails từ lâu đã nổi tiếng là không có điều kiện làm việc tốt nhất. Tôi nghĩ mọi thứ đã thay đổi rất nhiều kể từ những ngày đó.” Chị cho biết tiệm của chị và ngành nails nói chung đã giúp những phụ nữ lớn tuổi, những người không thể có việc làm, tìm được công việc phù hợp và linh hoạt.
Điển hình là nhân viên Tina Nguyen, năm nay đã ngoài 60 tuổi và đã chuyển từ nghề thợ may kéo dài 30 năm sang nghề làm nails. Chị Nguyen cho biết: “Tiếng Anh của tôi không tốt lắm nhưng tôi thích nói chuyện với khách hàng và công việc tôi làm”. Tính linh hoạt của công việc đã cho phép chị dành nhiều thời gian hơn cho các cháu của mình.
Ông Le cho biết đây chính là điều ông hy vọng di sản của mình trong việc thành lập các tiệm làm nails tại Úc sẽ được mọi người nhớ đến. “Là người Việt Nam, tôi cảm thấy tự hào khi thấy nhiều người trong cộng đồng mình mở cửa hàng riêng và tìm hiểu về nghề nails.”
Để được tư vấn chính xác, nhanh chóng và bảo mật, Quý khách liên hệ trực tiếp Hotline (+84) 979 355 355 hoặc để lại thông tin. Đội ngũ với hơn 20 năm kinh nghiệm của SI Group luôn sẵn sàng để kết nối và tư vấn miễn phí.