https://sigroup.vn/wp-content/themes/sigroup/assets/images/ic-seach.png
Tin tức

Vì sao ngày càng nhiều chương trình đầu tư lấy quốc tịch (CBI) bị cấm?

Chương trình: TIN TỨC CẬP NHẬT
Người đăng: Trần Quỳnh Trâm Cập nhật: 21/05/2025

Trong hơn một thập kỷ, quốc tịch thứ hai từng là “kế hoạch B” lý tưởng cho giới siêu giàu toàn cầu: Mua hộ chiếu, mở rộng tự do di chuyển, phòng hộ tài sản, giảm rủi ro chính trị. Nhưng làn sóng phản đối từ EU, Mỹ, FATF và OECD đã khiến hàng loạt chương trình đầu tư lấy quốc tịch (CBI) bị đình chỉ hoặc xóa sổ, vì lo ngại rửa tiền, trốn thuế và mất kiểm soát định danh toàn cầu.

Kỷ nguyên “mua quốc tịch dễ dãi” đang khép lại. Thị trường không biến mất, nhưng đang chuyển dịch: Từ giao dịch tài chính sang lựa chọn bền vững, hợp pháp và gắn kết thực chất hơn. 

Sự trỗi dậy và rạn nứt của thị trường hộ chiếu toàn cầu

Trong hai thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của thị trường hộ chiếu đầu tư, nơi quốc tịch trở thành một loại “tài sản” có thể mua bán. Thay vì chỉ dựa vào nơi sinh hoặc huyết thống, ngày càng nhiều cá nhân giàu có lựa chọn “mua quốc tịch thứ hai” thông qua các chương trình Citizenship by Investment (CBI).

Thông qua việc đầu tư một khoản tiền nhất định, thường là vào bất động sản, quỹ phát triển quốc gia hoặc trái phiếu chính phủ, nhà đầu tư có thể trở thành công dân hợp pháp của một quốc gia khác, không cần cư trú lâu dài, không cần biết ngôn ngữ, thậm chí không cần đặt chân đến quốc gia đó.

Tính đến năm 2020, đã có ít nhất 13 quốc gia chính thức triển khai chương trình CBI, bao gồm nhiều nước nhỏ ở Caribbean như Dominica, Saint Kitts & Nevis, Grenada… và một số quốc gia châu Âu như Cyprus, Malta, Bulgaria.

Thị trường này bùng nổ vì đâu?

  • Đối với nhà đầu tư: Quốc tịch thứ hai là “kế hoạch B” trong một thế giới bất ổn, nơi hộ chiếu của một số quốc gia không mang lại khả năng di chuyển tự do; nơi khủng hoảng địa chính trị, bất ổn pháp luật, kiểm soát tài sản và truy tố chính trị trở thành rủi ro thực sự.
  • Đối với quốc gia bán quốc tịch: Đây là cách huy động ngoại tệ nhanh chóng. Với dân số chỉ vài chục nghìn người, nhiều nước nhỏ thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm từ chương trình CBI. Tại Saint Kitts & Nevis, CBI chiếm tới 39% tổng thu ngân sách trong 9 tháng đầu năm 2018 (Country Economic Review 2018 – St. Kitts & Nevis).

Nhưng thị trường đó đang dần rạn nứt. CBI không còn là “chương trình đầu tư quốc tế” được ủng hộ nữa. Từ năm 2020 trở lại đây, xu hướng toàn cầu là siết chặt, điều tra và thậm chí cấm toàn bộ các chương trình này. Trong đó, liên minh châu Âu (EU) chỉ trích CBI vì cho rằng “quốc tịch là một mối quan hệ chính trị và xã hội, không phải là hàng hóa để mua bán”. Trong một phán quyết gần đây, Tòa án Công lý EU đã tuyên bố chương trình “hộ chiếu vàng” của Malta là vi phạm luật EU, nhấn mạnh rằng việc cấp quốc tịch chỉ để đổi lấy đầu tư tài chính là trái với các nguyên tắc cơ bản của EU. Với Hoa Kỳ, cường quốc này đang xem xét các biện pháp hạn chế đối với công dân từ các quốc gia có chương trình CBI, bao gồm việc đưa ra danh sách các quốc gia có thể bị áp dụng lệnh cấm du lịch hoặc hạn chế visa. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế như FATF và OECD đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ rửa tiền, trốn thuế và lạm dụng hộ chiếu thông qua các chương trình CBI.

Có thể nói, từ “tài sản di động cao cấp”, hộ chiếu thứ hai dần trở thành đối tượng nghi ngờ và điều tra toàn cầu.

Chương trình Citizenship by Investment (CBI) đang dần bị hạn chế bởi liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ đều đã chỉ trích CBI vì những tác động tiêu cực của nó đối với thị trường hộ chiếu.

Lý do các chương trình CBI ngày càng bị hạn chế

  • Rủi ro an ninh quốc gia và tài chính toàn cầu

Trong thời đại toàn cầu hóa, quốc tịch không chỉ là quyền công dân mang tính biểu tượng hay nhân thân pháp lý, nó đã trở thành một chìa khóa quyền lực để tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế. Một hộ chiếu mạnh có thể giúp cá nhân mở tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, đầu tư vào thị trường chứng khoán quốc tế, hoặc đơn giản là di chuyển không cần visa tới hơn 140 quốc gia. Chính vì vậy, việc “mua quốc tịch” thông qua các chương trình CBI (Citizenship by Investment) đã vô tình tạo ra một “kẽ hở định danh” mà các tổ chức tội phạm tài chính, tham nhũng chính trị, thậm chí cả giới trốn truy nã có thể khai thác triệt để.

Báo cáo năm 2023 của FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế) phối hợp với OECD đã phát đi cảnh báo rõ ràng: Các chương trình CBI và RBI (Residency by Investment) nếu không được kiểm soát nghiêm ngặt, sẽ trở thành công cụ để che giấu danh tính, hợp pháp hóa tài sản phi pháp, và lẩn tránh sự giám sát xuyên biên giới. Báo cáo này liệt kê 4 cách phổ biến mà CBI bị lạm dụng: 

  1. Mở tài khoản ngân hàng tại quốc gia không tham gia chia sẻ thông tin thuế toàn cầu (CRS)
  2. Thiết lập công ty offshore dưới danh nghĩa hộ chiếu thứ hai để che giấu quyền sở hữu thực sự
  3. Lách các lệnh trừng phạt của EU hoặc Mỹ
  4. Tránh nghĩa vụ thuế, đặc biệt ở những nước không cho phép song tịch như Trung Quốc, Việt Nam hay Iran

Thực tế đã chứng minh những cảnh báo đó không phải lý thuyết suông. Jho Low, nhân vật trung tâm trong vụ bê bối 1MDB của Malaysia, một trong những vụ tham nhũng lớn nhất thế giới (giá trị thất thoát hơn 4,5 tỷ USD) đã dùng hộ chiếu từ một quốc gia Caribbean (không công bố rõ) để trốn truy nã, mở tài khoản ngân hàng mới và tiếp tục vận hành mạng lưới tài chính ngầm. Một trường hợp khác là hàng loạt tài phiệt Nga sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra đã âm thầm xin quốc tịch thứ hai qua chương trình CBI để né lệnh cấm vận, tiếp tục tiếp cận thị trường tài chính châu Âu, dẫn đến việc EU đe dọa thu hồi chế độ miễn visa với Dominica và Saint Kitts & Nevis.

Vấn đề nằm ở chỗ: CBI tạo ra một dạng “định danh thay thế” nhưng lại không gắn với trách nhiệm chính trị, nghĩa vụ thuế hay cư trú thực tế. Cá nhân đó có thể không sống, không đóng thuế, không nói tiếng địa phương nhưng lại có tư cách công dân trọn đời chỉ vì đã chi một khoản đầu tư. Trong khi đó, quốc gia cấp hộ chiếu thường không có năng lực kiểm tra lý lịch đầy đủ, hoặc sẵn sàng “nới tay” vì khoản thu ngoại tệ nhanh chóng.

Điều này dẫn đến một hệ quả nghiêm trọng: Chính phủ quốc gia đánh mất khả năng kiểm soát xem ai là công dân thật sự, đồng thời mở cửa cho dòng tiền bẩn, danh tính giả và các hoạt động tài chính đen len lỏi vào hệ thống ngân hàng toàn cầu. Đó là lý do vì sao các tổ chức như FATF, OECD và IMF đều đã đồng loạt xếp các chương trình CBI vào diện “có rủi ro cao” nếu thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ. Việc cấp quốc tịch và cư trú cho các nhà đầu tư giàu có thông qua các chương trình ‘hộ chiếu vàng’ và thị thực có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng chúng có thể và đang bị tội phạm và những kẻ tham nhũng lợi dụng để rửa tiền, che giấu danh tính và tài sản, hoặc thực hiện các tội phạm khác.

Từ góc nhìn an ninh quốc gia, rủi ro không dừng lại ở tài chính. Hộ chiếu thứ hai còn có thể bị sử dụng để che giấu mục đích di chuyển nhạy cảm, gián điệp kinh tế, hoặc thâm nhập hệ thống chính trị qua đầu tư bất động sản, quỹ doanh nghiệp hoặc hiến tặng chính trị. Việc các chính phủ lớn như Mỹ và EU bắt đầu cảnh báo, điều tra và cấm nhập cảnh với các công dân CBI là dấu hiệu rõ ràng: Trò chơi hộ chiếu toàn cầu đang bước vào thời kỳ kiểm soát khắt khe chưa từng có.

  1. Lạm dụng và tham nhũng trong cấp hộ chiếu

Nếu rủi ro rửa tiền và tài chính là vấn đề mang tính hệ thống, thì lạm dụng và tham nhũng trong quá trình cấp hộ chiếu CBI lại là biểu hiện trực diện và cụ thể của sự đổ vỡ trong kiểm soát. Tại nhiều quốc gia, chương trình cấp quốc tịch đã không còn là một chính sách thu hút đầu tư, mà trở thành mảnh đất màu mỡ cho các quan chức trục lợi cá nhân, nhà môi giới làm giả hồ sơ và những kẻ tội phạm quốc tế tìm cách “rửa sạch” danh tính.

Một trong những bê bối lớn nhất đánh sập niềm tin toàn cầu vào thị trường hộ chiếu đầu tư là vụ Cyprus năm 2020. Nước Cộng hòa Síp (Cyprus), thành viên chính thức của Liên minh châu Âu, từng triển khai chương trình “hộ chiếu vàng” cho phép cấp quốc tịch EU nếu nhà đầu tư chi ít nhất 2 triệu euro vào bất động sản hoặc trái phiếu chính phủ. Chương trình này từng rất hấp dẫn với công dân Trung Quốc, Nga, Ả Rập và Đông Âu, những nơi mà hộ chiếu nội địa bị hạn chế nghiêm trọng về tự do đi lại và đầu tư xuyên biên giới.

Tuy nhiên, mọi thứ sụp đổ khi kênh Al Jazeera tung ra loạt phóng sự điều tra mang tên “The Cyprus Papers Undercover”, tiết lộ đoạn video gây sốc: chủ tịch Quốc hội Cyprus – ông Demetris Syllouris – cùng một dân biểu khác sẵn sàng giúp một người Trung Quốc (giả định là tội phạm rửa tiền) có được quốc tịch EU thông qua CBI, dù đối tượng này đã có tiền án. Những người này thậm chí còn hướng dẫn chi tiết cách “lách luật”, né giám sát và vận hành hồ sơ đầu tư hợp thức hoá.

Chủ tịch Quốc hội Cyprus từ chức sau vụ bê bối mua bán hộ chiếu

Chấn động này không chỉ khiến chương trình hộ chiếu vàng của Cyprus bị hủy bỏ vĩnh viễn vào tháng 11/2020, mà còn làm rung chuyển chính trường nước này. Chủ tịch Quốc hội buộc phải từ chức, chính phủ Cyprus bị EU chỉ trích công khai, và hàng nghìn quốc tịch đã cấp trước đó bị điều tra lại. Theo một báo cáo độc lập do chính phủ Cyprus ủy quyền, hơn 51% hồ sơ đã được phê duyệt “không tuân thủ tiêu chí pháp lý cơ bản”.

Đáng lưu ý là vụ Cyprus không phải ngoại lệ. Cũng trong năm 2022, giới chức Malta – quốc gia EU khác có chương trình CBI – bị Ủy ban châu Âu kiện ra Tòa án Công lý EU (CJEU) vì cáo buộc “bán quốc tịch như một món hàng”. Thẩm phán EU nhấn mạnh rằng việc cấp quốc tịch mà không yêu cầu cư trú thật sự “đi ngược với nguyên lý quốc tịch châu Âu là sự ràng buộc lâu dài về chính trị và xã hội”.

Tham nhũng trong quá trình cấp quốc tịch còn xuất hiện dưới hình thức lách luật tập thể. Một số nhà môi giới đã giúp người nộp hồ sơ ngụy tạo hồ sơ đầu tư, sử dụng tiền từ nguồn gốc bất hợp pháp (mà không được xác minh rõ ràng) để “mua” quốc tịch. Theo một điều tra của Transparency International, nhiều quốc gia Caribbean đã cấp hộ chiếu cho những người đang bị điều tra hình sự ở nước khác chỉ vì “hồ sơ nộp đủ lệ phí và không bị liệt vào danh sách đỏ Interpol”.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi những quốc gia có CBI yếu kém về kiểm duyệt hồ sơ đều rơi vào diện giám sát rủi ro của EU, OECD hoặc FATF. Hệ quả là: Uy tín quốc gia bị ảnh hưởng, nguy cơ bị loại khỏi danh sách miễn visa Schengen tăng cao và dòng tiền đầu tư nghiêm túc rút lui.

  1. Phản ứng của các tổ chức quốc tế và sự siết chặt từ các cường quốc

Khi quốc tịch trở thành một loại “hàng hóa toàn cầu”, được rao bán qua các chương trình đầu tư mà không yêu cầu cư trú hay gắn kết xã hội, phản ứng không chỉ đến từ giới chuyên gia pháp lý hay tổ chức dân sự, mà còn từ các thể chế quyền lực nhất thế giới, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, và các tổ chức giám sát tài chính quốc tế như OECD, FATF.

Trong đó, EU là tiếng nói mạnh mẽ nhất phản đối các chương trình CBI, đặc biệt là tại các quốc gia thành viên hoặc quốc gia có thỏa thuận miễn thị thực Schengen. Trong nhiều tài liệu chính thức, Ủy ban châu Âu tuyên bố rằng: “Việc cấp quốc tịch EU để đổi lấy các khoản thanh toán hoặc đầu tư định trước, mà không có bất kỳ mối liên hệ thực sự nào với quốc gia thành viên liên quan, là vi phạm luật pháp EU (European Commission Press Release, 2022).

Tuyên bố này không chỉ mang tính biểu tượng. Năm 2022, Ủy ban châu Âu đã khởi kiện Malta ra Tòa án Công lý EU (CJEU) vì chương trình cấp quốc tịch cho người nước ngoài đổi lấy khoản đầu tư 600.000 – 750.000 euro mà không yêu cầu cư trú thực tế. Vụ kiện đi đến hồi kết vào tháng 4/2025, khi Tòa án EU tuyên bố chương trình “hộ chiếu vàng” của Malta là vi phạm pháp luật EU và yêu cầu chấm dứt hoàn toàn. Bên cạnh đó, EU cũng nhiều lần cảnh báo các nước ngoài khối như Dominica, Saint Kitts & Nevis, Antigua rằng nếu các chương trình CBI tiếp tục lỏng lẻo, EU có thể rút quyền miễn visa Schengen. Nỗi lo này là có thật, bởi công dân các nước Caribbean có thể dùng hộ chiếu mới để vào châu Âu dễ dàng mà không cần kiểm soát chặt.

Với Mỹ, quốc gia này không lên án gay gắt như EU nhưng Mỹ âm thầm siết chặt chính sách thị thực và an ninh với các nước có chương trình CBI. Một tài liệu nội bộ bị rò rỉ vào cuối 2023 cho thấy 8 quốc gia Caribbean nằm trong danh sách cân nhắc hạn chế miễn thị thực, bao gồm: Dominica, Saint Kitts & Nevis, Saint Lucia, Grenada và Antigua. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ cũng đã thảo luận dự thảo “Travel Ban for Traffickers Act”, theo đó các quốc gia bị nghi bán quốc tịch cho tội phạm hoặc cá nhân bị trừng phạt sẽ mất quyền tiếp cận hệ thống miễn visa Mỹ. Đây không phải là đòn trực tiếp nhắm vào CBI, nhưng rõ ràng là tín hiệu siết chặt chính trị – pháp lý đối với quốc tịch “mua được”.

Về mặt tài chính, OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) đã nhiều lần cảnh báo rằng các chương trình CBI là một trong những lỗ hổng lớn nhất trong hệ thống chống trốn thuế và rửa tiền toàn cầu. Trong báo cáo “Potential Misuse of Citizenship and Residency Schemes” (2023), OECD nhấn mạnh: “Các chương trình này nếu không được giám sát kỹ lưỡng sẽ làm suy yếu hệ thống chia sẻ thông tin tài chính xuyên quốc gia (CRS), vì người nộp thuế có thể dễ dàng sử dụng hộ chiếu thứ hai để giấu tài sản tại các thiên đường thuế.” (OECD CRS Handbook)

Tương tự, FATF (tổ chức tiêu chuẩn chống rửa tiền toàn cầu) trong báo cáo công bố tháng 11/2023 chỉ rõ rằng CBI/RBI là “kênh nguy cơ cao” nếu không có cơ chế kiểm tra lý lịch độc lập và minh bạch. Họ yêu cầu các nước thành viên phải đánh giá rủi ro CBI trong khung AML (chống rửa tiền) quốc gia.

Hệ quả của các phản ứng này là ngày càng rõ rệt. Một số quốc gia như Cyprus, Bulgaria, Montenegro đã chủ động xóa bỏ hoàn toàn chương trình CBI, trong khi Malta, Dominica, Saint Kitts… liên tục phải sửa luật, tăng phí và siết điều kiện kiểm tra an ninh. Ngoài ra, đáng lo ngại hơn cả chính là hộ chiếu của các nước có chương trình CBI bắt đầu mất giá trị trong mắt quốc tế. Dù chưa chính thức, nhưng đã có nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán và quỹ đầu tư từ chối mở tài khoản cho người dùng hộ chiếu CBI do e ngại vấn đề compliance – tức là nguy cơ vi phạm các quy định về chống rửa tiền, kiểm tra lý lịch khách hàng (KYC), và tuân thủ luật pháp quốc tế trong giao dịch tài chính. Các tổ chức này lo ngại rằng việc phục vụ người có hộ chiếu “mua được” từ quốc gia khác mà không có mối liên kết cư trú thực sự sẽ khiến họ đối mặt với rủi ro pháp lý, án phạt hoặc thậm chí mất quyền truy cập vào hệ thống tài chính toàn cầu.

  1. Thiếu minh bạch trong kiểm tra lý lịch (due diligence)

Khi thế giới tài chính toàn cầu ngày càng nhiều biến động và tràn ngập các hình thức tội phạm xuyên quốc gia, kiểm tra lý lịch (due diligence) không chỉ là một bước hành chính, mà là lá chắn đầu tiên và quan trọng nhất để bảo vệ quốc gia khỏi các rủi ro an ninh và pháp lý. Tuy nhiên, đây chính là điểm yếu chí tử của nhiều chương trình CBI trên thế giới: Quốc tịch được cấp nhanh, nhiều khi chỉ dựa trên giấy tờ, và gần như không có sự kiểm chứng độc lập về nguồn tiền, nhân thân hoặc lịch sử pháp lý.

Không ít chương trình CBI quảng cáo “nhận quốc tịch chỉ trong 60–90 ngày” và “không cần đến quốc gia đó một ngày nào”. Điều này đồng nghĩa với việc quá trình xác minh nhân thân hoàn toàn dựa vào giấy tờ do bên nộp hồ sơ cung cấp, đa phần là do nhà môi giới chuẩn bị, và không có sự thẩm định độc lập bởi cơ quan an ninh hay cơ quan thuế sở tại.

Hộ chiếu được cấp quá nhanh, mà không qua kiểm tra độc lập – rủi ro không chỉ là tài chính, mà là an ninh quốc gia.

Theo OECD và FATF, đây là lỗ hổng lớn trong khung pháp lý chống rửa tiền và trốn thuế toàn cầu. Năm 2023, OECD công bố danh sách các chương trình CBI có nguy cơ cao “gây nhiễu hệ thống chia sẻ thông tin thuế toàn cầu (CRS)” vì cho phép cá nhân sử dụng quốc tịch mới để che giấu nơi cư trú thật và tránh bị báo cáo thu nhập toàn cầu. Còn FATF thì thẳng thắn hơn: “Thiếu kiểm tra lý lịch là con đường ngắn nhất để rửa tiền bằng quốc tịch hợp pháp.”

Không có nơi nào minh họa rõ nét hơn sự thất bại của kiểm tra lý lịch hơn Comoros, một quốc đảo nhỏ ở Đông Phi. Từ 2008 đến 2016, chính phủ nước này triển khai một chương trình “đặc biệt”: Bán hộ chiếu Comoros cho người không quốc tịch từ các nước vùng Vịnh, với lý do nhân đạo. Tuy nhiên, chương trình này thiếu hoàn toàn cơ chế kiểm soát, không được quốc hội phê duyệt, và không có hệ thống thẩm định độc lập. Kết quả là:

  • Hơn 52.000 hộ chiếu được bán ra không qua kiểm tra lý lịch, không lưu trữ hồ sơ, không xác minh nguồn tiền.
  • Hàng trăm cá nhân thuộc diện nghi vấn đã sở hữu hộ chiếu Comoros, bao gồm các cá nhân bị cấm vận quốc tế hoặc đang bị truy tố.
  • Hơn 45 triệu USD bị thất thoát, trong đó phần lớn không thể truy vết.

Năm 2022, cựu Tổng thống Abdallah Sambi bị kết án tù chung thân vì tham nhũng cấp quốc gia và biển thủ công quỹ liên quan đến chương trình này. Vấn đề ở đây không chỉ là rửa tiền hay trốn thuế. Khi quốc gia cấp hộ chiếu mà không biết chính xác người được cấp là ai, từ đâu đến, và họ đại diện cho loại rủi ro nào, thì đó là sự từ bỏ trách nhiệm chủ quyền trong im lặng. Đặc biệt với các quốc gia nhỏ, thiếu năng lực điều tra tài chính hoặc không có hệ thống chia sẻ dữ liệu quốc tế, họ dễ trở thành điểm đến của:

  • Tội phạm tài chính quốc tế
  • Các mạng lưới rửa tiền đa tầng
  • Các cá nhân đang bị truy tố hoặc có tên trong danh sách cấm vận toàn cầu (UN/EU/US)

Chính vì thế, nhiều quốc gia từng quảng bá rầm rộ về tốc độ cấp hộ chiếu “nhanh chóng – đơn giản – không phỏng vấn” giờ đây lại trở thành tâm điểm điều tra của EU, FATF hoặc chính các ngân hàng quốc tế. Việc thiếu kiểm tra lý lịch khiến hộ chiếu của các quốc gia này bị nghi ngờ tại hải quan, ngân hàng, và cả các tổ chức tài chính. Trong một số trường hợp, công dân CBI bị yêu cầu cung cấp chứng cứ cư trú thực tế hoặc từ chối cấp visa thẳng tay.

Tổng hợp các chương trình CBI bị cấm, đình chỉ hoặc siết chặt (Cập nhật đến 05/2025)

Khu vực

Quốc gia

Tình trạng hiện tại

Nguyên nhân / Ghi chú

Châu Âu

Cyprus

Đã hủy bỏ hoàn toàn từ 11/2020

Bê bối tham nhũng do Al Jazeera phanh phui. Hơn 50% quốc tịch cấp sai quy định. 

Malta

Đang bị chấm dứt theo phán quyết của Tòa án EU

Vi phạm luật EU vì cấp quốc tịch mà không yêu cầu cư trú. 

Bulgaria

Đã đóng chương trình CBI (2022)

Dừng theo khuyến nghị từ EU để giữ uy tín và quyền miễn visa Schengen.

Montenegro

Kết thúc vào 31/12/2022

Số hồ sơ cấp thấp, lo ngại về minh bạch và sức ép từ EU.

Caribbean

Dominica

Vẫn hoạt động, nhưng bị siết chặt

EU, Mỹ giám sát chặt. Đã ký MoU năm 2024 tăng cường kiểm tra lý lịch.

St. Kitts & Nevis

Đang cải cách, giữ chương trình

Đang hạn chế ứng viên từ Nga, Iran, Afghanistan.

Antigua & Barbuda

Tăng tiêu chuẩn kiểm tra hồ sơ

Một phần trong thỏa thuận cải tổ do EU gây sức ép.

St. Lucia / Grenada

Không đóng, nhưng nằm trong danh sách cảnh báo

Nguy cơ bị EU rút quyền miễn visa nếu không cải tổ triệt để.

Châu Phi

Comoros

Đã đóng hoàn toàn

Bán 52.000 hộ chiếu bất hợp pháp, cựu tổng thống bị kết án tù chung thân.

Tác động của việc đóng cửa các chương trình CBI

Việc ngày càng nhiều quốc gia hủy bỏ hoặc siết chặt các chương trình cấp quốc tịch thông qua đầu tư (CBI) không chỉ là thay đổi trong chính sách nhập cư mà kéo theo một chuỗi hiệu ứng dây chuyền đến nhiều cấp độ: từ cá nhân nhà đầu tư, quốc gia cấp quốc tịch cho đến trật tự pháp lý toàn cầu liên quan đến chủ quyền, định danh và luồng vốn xuyên biên giới.

Việc siết chặt chương trình CBI không chỉ là thay đổi chính sách, mà còn tác động đến cả trật tự pháp lý và dòng vốn toàn cầu.

Đối với giới siêu giàu và các cá nhân có nhu cầu bảo vệ tài sản, tự do đi lại hoặc lập “kế hoạch B” về chính trị và thuế, các chương trình CBI từng là lối tắt hợp pháp và nhanh chóng nhất để có được quốc tịch thứ hai. Với chỉ từ 100.000–200.000 USD, không cần cư trú, phỏng vấn hay ngôn ngữ, nhà đầu tư có thể sở hữu một hộ chiếu miễn visa đến hơn 140 quốc gia.

Tuy nhiên, khi các chương trình CBI lần lượt bị đóng lại (Cyprus, Malta, Bulgaria, Montenegro…) và các nước còn lại bị siết chặt (Caribbean), tính “dễ tiếp cận” của hộ chiếu đầu tư không còn tồn tại. Thay vào đó, nhà đầu tư đang phải đối mặt với:

  • Chi phí cao hơn (ví dụ: Saint Kitts tăng ngưỡng đầu tư từ 125.000 USD lên tối thiểu 250.000 USD vào 2023).
  • Thời gian xử lý lâu hơn, do kiểm tra lý lịch gắt gao.
  • Cấm công dân từ các quốc gia rủi ro cao như Nga, Iran, Afghanistan, Syria.
  • Không còn con đường “tàng hình pháp lý”: Nhiều ngân hàng quốc tế từ chối tài khoản với hộ chiếu CBI.

Điều này buộc nhiều nhà đầu tư phải quay lại các con đường phức tạp hơn như định cư diện doanh nhân (RBI) hoặc quốc tịch theo huyết thống, mất nhiều thời gian và không còn “ẩn danh”.

Với một số quốc đảo nhỏ và nền kinh tế đang phát triển, CBI không chỉ là công cụ thu hút vốn mà là nguồn thu ngân sách sống còn. Ví dụ điển hình:

  • Dominica: Theo báo cáo năm 2019 của PricewaterhouseCoopers (PwC), chương trình CBI đã đóng góp khoảng 26% GDP của Dominica vào năm 2018. Báo cáo này nhấn mạnh vai trò quan trọng của CBI trong việc tài trợ cho các dự án công cộng, bao gồm xây dựng trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng sau thiên tai.
  • Saint Kitts & Nevis: Theo ông Garth Wilkin, Tổng chưởng lý của Saint Kitts & Nevis, doanh thu từ chương trình CBI chiếm khoảng 60% tổng doanh thu chính phủ khi chính quyền hiện tại nhậm chức vào năm 2022. Ông cũng cho biết rằng trong 15 năm qua, doanh thu từ CBI chiếm khoảng 48% tổng doanh thu của quốc gia này.

Việc mất đi nguồn thu từ bán quốc tịch khiến các chính phủ buộc phải tăng thuế nội địa, vay nợ nước ngoài, hoặc cắt giảm chi tiêu xã hội. Một số nước như Saint Lucia, Antigua đang cố gắng “giữ lại CBI” nhưng buộc phải nâng chuẩn kiểm tra lý lịch theo yêu cầu của EU và Mỹ, dẫn tới giảm mạnh số lượng hồ sơ chấp thuận.

Từ góc nhìn toàn cầu, việc EU và các tổ chức như FATF, OECD ép buộc đóng cửa CBI thể hiện sự bảo vệ chính nghĩa: Quốc tịch không thể là món hàng, hộ chiếu phải phản ánh sự ràng buộc thực tế giữa con người và quốc gia. Điều này giúp tăng tính minh bạch và công bằng trong hệ thống nhập cư, đặc biệt ở châu Âu và Bắc Mỹ, nơi nhiều người nhập cư hợp pháp phải chờ hàng năm để được nhập quốc tịch.

Tuy nhiên, sự thiếu hụt lựa chọn hợp pháp lại dẫn đến nguy cơ phát sinh thị trường ngầm:

  • Các công ty môi giới quốc tịch hoạt động không giấy phép, chào bán hộ chiếu giả hoặc hộ chiếu bị đánh cắp.
  • Một số quốc gia “bên lề luật” hoặc vùng tự trị (Transnistria, Somaliland…) xuất hiện như các điểm đến mới của những ai muốn lách luật.
  • Nhiều cá nhân quay lại các hình thức mờ ám hơn: Kết hôn giả, đầu tư danh nghĩa, hoặc mua chuộc quan chức di trú.

Xu hướng thay thế và chuyển dịch

Khi các chương trình đầu tư lấy quốc tịch (CBI) lần lượt bị siết chặt, đình chỉ hoặc xóa bỏ, nhu cầu sở hữu quốc tịch thứ hai vì lý do tài chính, an toàn chính trị hay tự do đi lại không biến mất, mà chuyển hóa sang các hình thức mới phức tạp và bền vững hơn. Ba xu hướng chính đã và đang định hình lại thị trường di cư chiến lược toàn cầu là: Chuyển từ CBI sang thị thực cư trú (RBI), gia tăng định cư diện doanh nhân – đầu tư – khởi nghiệp và trỗi dậy của quốc tịch theo huyết thống.

CBI bị siết, nhưng nhu cầu sở hữu quốc tịch thứ hai không mất đi – mà chuyển hóa thành các hình thức bền vững hơn như RBI

Thay vì “mua quốc tịch”, nhiều người giàu hiện chọn “mua quyền cư trú” thông qua các chương trình Residency by Investment (RBI), cho phép sống, làm việc, học tập tại quốc gia sở tại, và mở ra con đường nhập quốc tịch sau vài năm cư trú thực sự.

Ví dụ về đầu tư chiến lược trong các chương trình RBI:

  • Bồ Đào Nha: Golden Visa hiện yêu cầu đầu tư vào quỹ nghiên cứu, bảo tồn di sản hoặc đổi mới công nghệ, thay vì bất động sản như trước. Mức tối thiểu từ €250.000–€500.000. Đây là khoản đầu tư chiến lược nhằm tạo ảnh hưởng thực tế tại nước sở tại.
  • Hy Lạp: Bên cạnh đầu tư bất động sản, nhà đầu tư có thể rót vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp và công nghệ cao, đặc biệt là ở các khu công nghiệp mới nổi.
  • Hoa Kỳ: Chương trình EB-5 yêu cầu đầu tư tối thiểu 800.000 USD vào các dự án tạo việc làm tại vùng khó khăn, như khách sạn, trung tâm logistics hoặc công viên công nghệ.
  • UAE: Golden Visa 5–10 năm cho phép đầu tư vào doanh nghiệp đổi mới, thiết lập văn phòng quản lý tài sản (family office), hoặc rót vốn vào các lĩnh vực ưu tiên của chính phủ như công nghệ, y tế và năng lượng sạch.
  • Hungary: Với chương trình Guest Investor Program (2024), chính phủ khuyến khích đầu tư dài hạn từ €250.000 vào doanh nghiệp trong nước hoặc quỹ nhà nước được phê duyệt, tập trung vào phát triển bền vững.

Các chương trình RBI hiện đại không chỉ quan tâm đến dòng tiền, mà đòi hỏi tác động thực chất đến kinh tế – xã hội. Đó là sự khác biệt cốt lõi so với CBI.

Bên cạnh đó, một hướng đi bền vững hơn là định cư thông qua đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm và sáng tạo, chứ không đơn thuần là tài chính. Các chương trình này đang nở rộ tại các quốc gia OECD, đặc biệt với mục tiêu thu hút nhân tài và công ty công nghệ.

Một số ví dụ nổi bật có thể kể đến như:

  • Canada – Start-Up Visa: Cấp thẻ thường trú cho sáng lập viên startup nếu có thư hỗ trợ từ quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm hoặc tổ chức doanh nghiệp được chính phủ chứng nhận.
  • Anh – Innovator Founder Visa: Yêu cầu ý tưởng kinh doanh sáng tạo và khả thi, được xác nhận bởi một tổ chức khởi nghiệp uy tín ở Anh.
  • Úc – National Innovation Visa (NIV): Thay thế chương trình Global Talent Visa từ tháng 12/2024. NIV tập trung vào việc thu hút nhân tài toàn cầu trong các lĩnh vực ưu tiên quốc gia (AI, y tế, năng lượng sạch, công nghệ quốc phòng…).
  • Pháp – French Tech Visa: Cư trú 4 năm, dành cho nhà sáng lập, nhà đầu tư hoặc chuyên gia công nghệ làm việc tại doanh nghiệp được chứng nhận đổi mới.

Bên cạnh RBI và visa khởi nghiệp, một xu hướng đang nổi lên trong tầng lớp trung lưu toàn cầu là tìm lại quốc tịch qua nguồn gốc huyết thống. Đây là cách “thừa kế quyền công dân” theo luật định của nhiều nước châu Âu và Nam Mỹ.

Một số quốc gia nổi bật:

  • Ireland: Nếu ông/bà nội là công dân Ireland, bạn có thể nộp hồ sơ xin quốc tịch, ngay cả khi chưa từng cư trú tại Ireland.
  • Ý: Cho phép xin quốc tịch nếu có tổ tiên là công dân Ý, miễn là không có gián đoạn quốc tịch qua các thế hệ.
  • Tây Ban Nha & Bồ Đào Nha: Cung cấp quốc tịch cho hậu duệ người Do Thái Sephardic bị trục xuất thời trung cổ.
  • Argentina, Uruguay: Cấp quốc tịch rất dễ nếu có cha/mẹ hoặc ông/bà là công dân gốc, quy trình nhanh, không yêu cầu cư trú lâu dài.

Dạng “quốc tịch tổ tiên” này có chi phí thấp, hợp pháp và đặc biệt phù hợp với người châu Á có gốc gác châu Âu xa xưa qua đường di cư, chiến tranh hoặc kinh doanh thời thuộc địa.

Tạm kết

Thị trường quốc tịch thứ hai từng là một “cánh cửa vàng” cho giới giàu có toàn cầu, nơi quyền công dân được gói ghém trong một khoản đầu tư nhanh chóng. Nhưng kỷ nguyên của những con đường ngắn, đơn giản và không ràng buộc đang khép lại. Các chương trình CBI liên tục bị đóng, siết hoặc đặt dưới giám sát quốc tế cho thấy một thông điệp rõ ràng: Quốc tịch không thể là món hàng giao dịch, mà là một mối quan hệ chính trị – pháp lý đòi hỏi sự minh bạch, gắn bó và trách nhiệm lâu dài.

Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước bức tranh đã thay đổi hoàn toàn. Những lựa chọn “nhanh – gọn – không kiểm soát” không còn là lợi thế, mà trở thành rủi ro pháp lý, tài chính và danh tiếng. Việc đánh giá kỹ khung pháp lý, tiêu chuẩn quốc tế và tính hợp hiến của từng chương trình là điều bắt buộc nhưng vẫn chưa đủ.

Quan trọng hơn, nhà đầu tư cần lựa chọn đúng đối tác đồng hành: đơn vị tư vấn không chỉ hiểu sâu về thị trường, mà còn có khả năng phân tích rủi ro, cập nhật liên tục luật quốc tế, và sẵn sàng nói thật, cảnh báo thật khi cần thiết. Trong môi trường đang siết chặt toàn cầu, sự đồng hành đúng đắn sẽ không chỉ giúp nhà đầu tư đi đúng hướng, mà còn bảo toàn được cả tài sản lẫn tư cách pháp lý lâu dài cho gia đình.

Các tin tức liên quan
Liên Hệ Tư Vấn
Điều làm nên khác biệt của SI Group chính là từng giải pháp được cá nhân hóa phù hợp với nhu cầu, điều kiện riêng biệt của từng Quý khách hàng. Chúng tôi cung cấp giải pháp tối ưu nhất dành riêng cho Quý khách, đồng thời cam kết tỷ lệ thành công và thời gian hoàn thành cho từng dịch vụ.
Để được tư vấn chính xác, nhanh chóng và bảo mật, Quý khách liên hệ trực tiếp Hotline (+84) 979 355 355 hoặc để lại thông tin. Đội ngũ với hơn 20 năm kinh nghiệm của SI Group luôn sẵn sàng để kết nối và tư vấn miễn phí.